Site icon KO66

Phim “Cám” không hay, nhưng có thể mơ trăm tỷ

Phim "Cám" không hay, nhưng có thể mơ trăm tỷ - Ảnh 1.

Phim Cám (đạo diễn: Trần Hữu Tấn, 122 phút) công chiếu toàn quốc ngày 20/9, đến tối 24/9 đã thu về hơn 60 tỷ đồng. Với một phim thuộc thể loại kinh dị, tốc độ bán vé này quá lý tưởng, cho nên ngày chạm đến giấc mơ trăm tỷ sẽ không còn xa.

Phim này là một sự lột xác hoàn toàn về hình thức lẫn nội dung của truyện Tấm Cám. Đạo diễnTrần Hữu Tấn đã khoác lên “câu chuyện tuổi thơ” một chiếc áo mới, nhuốm màu kinh dị. Nhưng khi thử nghiệm cái mới, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro. Dù thành công trong doanh thu, nhưng Cám lại nhận về những phản ứng trái chiều xoay quanh chất lượng.

Chỉn chu về hóa/phục trang

Sự thành công của Cám trước hết đến từ việc lựa chọn hình thức cải biên truyện kể dân gian. Điều này giúp cho bộ phim dễ dàng chạm tới tệp khán giả là những người yêu thích nguyên tác. Ngoài ra, phim còn mở đầu bằng câu dẫn quen thuộc: “Ngày xửa, ngày xưa…”. Đây như lời tri ân của Cám dành cho nguồn cảmhứng mà câu chuyện gốc mang lại.

Từ Chuyện ma gần nhà, Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn… cho đến Cám, điều mà bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã luôn làm tốt chính là đầu tư vào tạo hình nhân vật. Ngay từ khi poster trình làng, hình ảnh nhân vật Cám (Lâm Thanh Mỹ thủ vai) với vết sẹo nửa bên mặt đã luôn là điểm nhấn. Được biết, tất cả đều được làm thủ công. Khi lên phim, những chi tiết này đã phát huy tác dụng khi mang đến cho người xem cảm giác ghê rợn, kinh sợ.

Trước đây, đã có không ít tranh cãi xoay quanh vấn đề trang phục trong phim cổ trang Việt Nam. Đến với Cám, toàn bộ trang phục sử dụng đều là cổ phục ViệtNam. Có thể kể đến như áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm… Điều này đã cho thấy sự kỹ lưỡng của ê-kíp trong việc nghiên cứu về văn hóa dân tộc.

Bối cảnh trong phim cũng được đầu tư một cách chỉn chu. Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như đình làng, đầm sen, rừng ngập mặn… Cám còn mở ra một không gian quỷ dị và kỳ bí với các nghi thức thờ cúng.

Nếu điện ảnh Việt đã nhàm chán với những cú jumpscare (hù dọa bằng cách thay đổi đột ngột hình ảnh, âm thanh) thì Cám là một ngoại lệ. Bộ phim may mắn thoát khỏi lối mòn ấy khi nỗi sợ trong Cám đến từ sự biến dạng về thể xác (bodyhorror). Đó là những phân cảnh Bạch Lão lột da mặt của con người, lễ tế trinh nữ. Hoặc gây ám ảnh nhất là món xôi lá sen đầy giòi của Bờm (Trần Doãn Hoàng thủ vai).

Chưa tới

Khác biệt lớn nhất giữa nguyên tác và bản phim kinh dị là không có nhân vật bụt. Nhưng lại có sự xuất hiện của con quỷ tên Bạch Lão (NSƯT HạnhThúy thủ vai). Bạch Lão lúc này đại diện cho phần “con” của chúng ta. Nơi đó chứa đựng những cái xấu xa, kệch cỡm, thấp hèn trong bản tính con người.

Xem phim, người xem đồng thời dễ dàng nhận ra chính lòng tham, sự uất hận, căm thù đã kích hoạt sự trỗi dậy của ma quỷ. Cũng vì thế mà không một nhân vật nào trong Cám là hoàn hảo, kể cả Tấm (Rima Thanh Vy thủ vai).

Nhắc đến Tấm thường là gợi đến hình ảnh của một cô gái thùy mị, nết na, chịu thương, chịu khó. Nhưng Tấm trong phim này có phần ích kỷ cho riêng mình. Có thương em đến đâu thì cô cũng không muốn bản thân sống trong hình hài xấu xí ấy. Còn người mẹ kế (Thúy Diễm thủ vai), bản chất yêu thương con, nhưng bà lại không thể bộc lộ cảm xúc của mình. Và Cám, người bị mắc kẹt giữa tình yêu và thù hận với Bờm, với cha.

Kẻ khao khát có được tình yêu nhưng lại bị phản bội. Đây đều là những góc khuất đen tối bên trong con người, điều mà truyện cổ tích không nhắc đến.

Chất lượng của một bộ phim được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, từ diễn xuất, cách đặt góc máy cho đến bối cảnh, phục trang. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kịch bản. Xem phim, có thể thấy Cám làm khá tốt ở các phương diện, nhưng chính kịch bản là điều khiến phim bị thụt lùi. Phim có phần mở đầu thuận lợi khi đưa người xem từng bước chạm vào chuỗi bi kịch của Cám, nhưng càng về sau thì mọi thứ dần lại trở nên rời rạc.

Dù biết Cám là sản phẩm sáng tạo dựa trên một tác phẩm đã có từ trước. Nhưng Cám đã hơi tham khi cố tái hiện các tình tiết có trong cốt truyện cũ và điều này lại không phục vụ cho việc phát triển mạch phim. Có thể kể đến cảnh như Tấm leo cây hoặc sự xuất hiện của cá bống. So với bức tranh tổng thể thì cả 2 đều không mang lại hiệu ứng nào cho phim cả.

Bên cạnh đó, trong phim cài cắm một số chi tiết mới khiến người xem cảm thấy vô lý và khó hiểu. Đầu tiên là sợi dây chuyền đầu gà. Sợi dây được giới thiệu là bùa hộ mệnh cho những ai đeo vào để tránh Bạch Lão. Dù không thể chạm vào sợi dây, nhưng Bạch Lão vẫn có thể điều khiển được người đeo nó. Vậy lý do gì mà Bạch Lão lại không khiến họ tháo sợi dây chuyền ấy ra?

Về khâu hậu kỳ, những đoạn chuyển cảnh ngày và đêm trong phim không ăn khớp với nhau. Đơn cử là phân đoạn Cám mời Tấm tắm cùng mình trước khi tiến cung, lúc đó thời gian là vào buổi sáng. Nhưng lúc cả hai ngâm mình dưới ao thì bầu trời lại chuyển về đêm. Dù biết mục đích của điều này là giúp cho cuộc trò chuyện trở nên ma quái, nhưng cố đặt hai cảnh phim cạnh nhau như thế thì câu chuyện lại trở nên thiếu tự nhiên.

Không hay, nhưng cũng không tệ, vì dù sao đây vẫn là một tác phẩm có ý tưởng và sự đầu tư, nhưng cách thể hiện chưa tới. Điều này làm cho Cám bị nửa vời. Những ý kiến trái chiều xoay quanh Cám suy cho cùng đều bắt nguồn từ tính logic trong kịch bản. Đây là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại của bộ phim. Hy vọng với phần 2, Cám sẽ cải thiện được các điểm yếu này. Sau 1 ngày công chiếu, ê-kíp Cám đã thông báo phim sẽ có phần 2, với tên gọi dự kiến là Tấm Cám kinh dị: Hoàng cung dị truyện.

Phim cũng đã phạm vào quy tắc vàng trong điện ảnh: “Show, don’t tell” (Tạm dịch: Hạn chế dùng lời kể). Cái kết của Cám đã dấy lên nhiều tranh cãi khi phim sử dụng tranh vẽ và giọng thuyết minh để khép lại câu chuyện. Sự chóng vánh ấy đã để lại nhiều tiếc nuối và hụt hẫng cho người xem.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ