Site icon KO66

Chào tuần mới: Một “Trung Thu không xa cách”

Chào tuần mới: Một "Trung Thu không xa cách" - Ảnh 1.

Chúng ta vừa bước sang một tuần mới, với ngày Tết Trung thu đang chờ trước mặt. Tối mai, 17/9, theo truyền thống, hàng triệu trẻ em trên cả nước sẽ được chung vui đón ngày hội trăng rằm.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện trên lý thuyết.

Còn lại, với những hệ lụy mà cơn bão Yagi để lại sau khi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc mươi ngày trước, dịp Trung thu năm nay hẳn sẽ được cộng đồng đóng nhận với những xúc cảm rất khác biệt so với thường niên.

“Bão đến vào lúc Trung thu đã rất gần. Hẳn, ở nhiều nơi, bánh nướng, bánh dẻo hỏng mốc vì lũ ngập, rồi đèn Trung thu làm xong cũng phải bỏ đó. Rộng hơn, nhiều em nhỏ cũng đang gặp những nỗi buồn lớn về vật chật và tinh thần, khi nhà cửa bị nước cuốn trôi, hoặc người thân vĩnh viễn ra đi” – NSND Xuân Bắc nói – “Đó là một thiệt thòi lớn, nếu chúng ta nhìn tới quyền lợi chính đáng của các em: Được vui chơi, giải trí hay tiếp cận với văn hóa trong dịp này…”.

Chia sẻ ấy được Xuân Bắc đưa ra trong trò chuyện với báo giới cuối tuần trước khi giới thiệu Trung thu không xa cách – chương trình do Nhà hát kịch Việt Nam của anh tổ chức, diễn ra đúng tối Trung thu, 17/9 tới tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Tại đó, Xuân Bắc cùng nhiều bạn bè và các diễn viên của nhà hát sẽ biểu diễn không thù lao, để gửi toàn bộ tiền bán vé (và ủng hộ của các nhà hảo tâm) tới các đồng bào bị bão lũ, đặc biệt là trẻ em.

“Đây là chương trình dành cho thiếu nhi và được livestream rộng rãi trên nhiều kênh. Chúng tôi mong có thể chia đều cơ hội cho tất cả các em nhỏ cả nước được vui chơi Trung Thu” – anh nói thêm – “Ở đó, những em gặp thiệt thòi trong dịp bão lụt vừa qua có thể theo dõi trực tuyến, còn những bạn nhỏ tới rạp cũng sẽ có thêm những bài học và trải nghiệm về sự sẻ chia trong hoạn nạn”.

Cũng cần nhắc lại, Trung thu không xa cách không phải là chương trình nghệ thuật mang màu sắc thiện nguyện duy nhất trong dịp Rằm tháng Tám năm nay. Theo chỉ đạo của ngành văn hóa, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VH,TT&DL đã đứng ra tổ chức nhiều chương trình biểu diễn để kêu gọi cả nước hướng về những đồng bào và các địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ.

Điển hình, đó là các chương trình Trăng trẻ thơ của Nhà hát Múa rối Việt Nam (tối 15/9), “Dạ tiệc đêm rằm” của Nhà hát Tuổi trẻ (tối 16 và 17/9), “Tâm sự quê” của Nhà hát Chèo Việt Nam (tối 18/9) hoặc đêm nhạc “Hà Nội – Những tháng năm” của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (tối 20/9)

Và khi những chương trình nghệ thuật thiện nguyện ấy chưa diễn ra, những ngày qua, đa phần chúng ta đều bắt gặp một thực tế tại các đô thị lớn: Nhiều trường học, tổ dân phố, hay đơn vị hành chính địa phương đã chủ động dừng tổ chức Tết Trung Thu cho trẻ em trên địa bàn, và kêu gọi cộng đồng cùng dành kinh phí cho công tác thiện nguyện.

Như thế, theo một nghĩa nào đó, tâm điểm của Tết Trung Thu trên toàn quốc năm nay là sự sẻ chia và tinh thần hướng về đồng bào trong hoạn nạn. Đó là một”ngoại lệ” hiếm gặp, khi mà trong nhiều thập niên qua, hiếm khi người Việt Nam đón một cơn bão lớn ngay trước Rằm tháng Tám.

Nhưng, nếu nhìn lại, trong lịch sử tồn tại, Tết Trung Thu cũng luôn có một ý nghĩa bất biến: Cái Tết “Đoàn viên” gắn với tình cảm yêu thương, với tấm lòng mà người lớn dành cho trẻ em và vì niềm vui của trẻ em trong dịp trăng rằm. Theo cách nhìn ấy, sự sẻ chia của cộng đồng với những cảnh ngộ khó khăn trong năm nay cũng đang tạo ra một Trung Thu “không xa cách”…

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ